fbpx

Hướng dẫn quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân năm 2016

PHẦN A: QUYẾT TOÁN THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP

I. Các căn cứ pháp lý để xác định số thuế TNDN phải nộp khi quyết toán thuế TNDN năm 2016 như sau:

1. Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2009, được sửa đổi, bổ sung bởi: Luật số 32/2013/QH13 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2014; Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2015.

2. Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, được sửa đổi, bổ sung bởi: Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 và Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ.

3. Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính, được sửa đổi, bổ sung bởi: Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014; Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014; Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính.

huong-dan-quyet-toan-thue-thu-nhap-doanh-nghiep-va-thue-thu-nhap-ca-nhan-nam-2016

II. Một số lưu ý khi quyết toán thuế TNDN năm 2016

Ngày 24/6/2015, Tổng cục Thuế đã ban hành công văn số 2512 /TCT – CS gửi Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ươnggiới thiệu nội dung mới của Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính. Thông tư số 96/2015/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 6/8/2015 và áp dụng cho kỳ tính thuế TNDN từ năm 2015 trở đi. Trong năm 2016, về cơ bản Chính phủ và Bộ Tài chính không ban hành văn bản pháp quy mới sửa đổi, bổ sung về thuế TNDN. Vì vậy, các chính sách và quy định được tiếp tục thực hiện khi quyết toán thuế TNDN cho kỳ tính thuế 2016.

Ngoài ra, trong năm 2016 vừa qua, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế có ban hành một số văn bản hướng dẫn liên quan đến thuế TNDN. Do đó, bên cạnh các nội dung đã được quy định tại văn bản pháp quy về thuế TNDN thì doanh nghiệp cần lưu ý thêm một số nội dung khi thực hiện quyết toán thuế TNDN năm 2016 như sau:

1. Điều chỉnh điều kiện xác định khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế về chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với khoản chi có hoá đơn mua HH, DV từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên.

Thông tư số 173/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính (sửa đổi, bổ sung khổ thứ nhất khoản 3 Điều 15 Thông tư số 219/2013/TT-BTC) có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2016. Thực hiện quy định tại Thông tư số 173/2016/TT-BTC thì kể từ 15/12/2016 đã bỏ quy định “chứng từ thanh toán qua ngân hàng được chuyển tiền từ tài khoản của bên mua sang tài khoản của bên bán phải là tài khoản đã đăng ký hoặc thông báo với cơ quan thuế.”

Trường hợp trước ngày 15/12/2016 nếu tài khoản của bên mua và tài khoản của bên bán là tài khoản chưa đăng ký hoặc thông báo với cơ quan thuế nhưng xác định được giao dịch mua bán hàng hóa giữa người mua và người bán là có thật; hóa đơn do người bán xuất cho người mua là hóa đơn hợp pháp; bên bán có khai thuế theo quy định thì người mua tính vào chi phí được trừ nếu đáp ứng các điều kiện khác về tính vào chi phí được trừ theo quy định.

2. Chi phí khấu hao tài sản cố định

Chi khấu hao đối với tài sản cố định năm 2016 được quản lý, theo dõi, hạch toán trong sổ sách kế toán của doanh nghiệp theo chế độ quản lý tài sản cố định ban hành kèm theo Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25/04/2013 và Thông tư số 147/2016/TT-BTC ngày 13/10/2016 sửa đổi Thông tư số 45/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính.

3. Về khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động được tính vào chi phí không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.

  • Khoản chi phí tư vấn thuế TNCN cho người lao động là người nước ngoài không phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, không được coi là khoản chi có tính chất phúc lợi cho người lao động do đó không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.
  • Khoản chi phí tư vấn khám sức khỏe cho người lao động, Khoản chi phí mua bảo hiểm xe máy cho người lao động là khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động.

Đối với doanh nghiệp Nhà nước, Công ty cổ phần có vốn góp chi phối của Nhà nước có các khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN theo quy định nêu trên, nếu doanh nghiệp có trích lập quỹ khen thưởng phúc lợi theo quy định thì cần phải đảm bảo nguyên tắc một khoản chi phúc lợi không hạch toán trùng từ 2 nguồn nêu trên.

4. Về việc trích lập, sử dụng và quản lý quỹ phát triển khoa học công nghệ

Thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC ngày 28/6/2016 của liên Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài chính hướng dẫn về nội dung chi và quản lý Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

5. Thuế suất thuế TNDN

Thuế suất thuế TNDN phổ thông áp dụng năm 2016 là 20%

6. Về ưu đãi thuế TNDN

6.1. Về việc chuyển sang áp dụng thuế suất ưu đãi 17% đối với các doanh nghiệp đang được áp dụng thuế suất ưu đãi 20% từ năm 2016

Tại khoản 20 Điều 1 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ quy định việc sửa đổi bổ sung khoản 2 điều 20 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP về thuế TNDN thì:

“…e) Tính đến hết kỳ tính thuế năm 2015 trường hợp doanh nghiệp có dự án đầu tư đang được áp dụng thuế suất ưu đãi 20% quy định tại Khoản 3 Điều 15 Nghị định này thì kể từ 01 tháng 01 năm 2016 được chuyển sang áp dụng thuế suất 17% cho thời gian còn lại….”

Căn cứ quy định nêu trên thì chỉ các doanh nghiệp tính đến hết kỳ tính thuế năm 2015 đang được áp dụng thuế suất thuế TNDN ưu đãi 20%, đến năm 2016 đáp ứng điều kiện được áp dụng thuế suất thuế TNDN 20% quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP mới được chuyển sang áp dụng thuế suất thuế TNDN 17% cho thời gian còn lại kể từ ngày 01/01/2016.

6.2. Về việc ưu đãi thuế TNDN đối với DN hoạt động chế biến nông sản, thủy sản.

  • Thu nhập của doanh nghiệp từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được miễn thuế TNDN.
  • Thu nhập của doanh nghiệp từ chế biến nông sản, thủy sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn áp dụng thuế suất thuế TNDN 10% trong suốt thời gian hoạt động;
  • Thu nhập của doanh nghiệp chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản ở địa bàn không thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn áp dụng thuế suất 15% trong suốt thời gian hoạt động.
  • Thu nhập từ hoạt động chế biến lâm sản: Theo quy định của Luật thuế số 71/2014/QH13 và các văn bản hướng dẫn về thuế TNDN quy định ưu đãi thuế TNDN đối với thu nhập của doanh nghiệp từ hoạt động chế biến nông sản, thủy sản. Do vậy trường hợp doanh nghiệp có phát sinh thu nhập từ hoạt động chế biến lâm sản (nguyên vật liệu đầu vào từ gỗ cao su, gỗ bạch đàn, gỗ thông, gỗ keo…) không thuộc các trường hợp được ưu đãi thuế TNDN theo hoạt động chế biến nông sản, thuỷ sản.

6.3. Ưu đãi thuế TNDN đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa

Ngày 22/7/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1470/QĐ-TTg (Quyết định số 1470) về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí, quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường ban hành kèm theo Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ.

  • Đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa được thành lập trước ngày Quyết định số 1470 có hiệu lực thi hành:

a) Nếu cơ sở thực hiện xã hội hóa không đáp ứng điều kiện về Danh mục loại hình, tiêu chí, quy mô ban hành kèm theo Quyết định số 1466, Quyết định số 693 nhưng đáp ứng điều kiện tại Quyết định số 1470 thì thu nhập từ hoạt động xã hội hóa được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo quy định cho thời gian còn lại kể từ ngày Quyết định số 1470 có hiệu lực thi hành (ngày 22/7/2016).

b) Nếu cơ sở thực hiện xã hội hóa đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN do đáp ứng điều kiện về Danh mục loại hình, tiêu chí, quy mô ban hành kèm theo Quyết định số 1466, Quyết định số 693 nhưng không đáp ứng điều kiện tại Quyết định số 1470 thì cơ sở thực hiện xã hội hóa tiếp tục được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo quy định đối với thu nhập từ hoạt động xã hội hóa do đáp ứng điều kiện tại Quyết định số 1466, Quyết định số 693 cho thời gian còn lại.

  • Đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa được thành lập từ ngày Quyết định số 1470 có hiệu lực thi hành:

a) Nếu cơ sở thực hiện xã hội hóa đáp ứng điều kiện về Danh mục loại hình, tiêu chí, quy mô ban hành kèm theo Quyết định số 1470 thì thu nhập từ hoạt động xã hội hóa được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo quy định kể từ khi đáp ứng Quyết định số 1470.

b) Nếu cơ sở thực hiện xã hội hóa không đáp ứng điều kiện về Danh mục loại hình, tiêu chí, quy mô ban hành kèm theo Quyết định số 1470 thì thu nhập từ hoạt động xã hội hóa phải kê khai nộp thuế theo quy định.

Cơ sở thực hiện xã hội hóa không đáp ứng điều kiện về Danh mục loại hình, tiêu chí, quy mô ban hành kèm theo Quyết định số 1466, Quyết định số 693 và Quyết định số 1470 thì không được hưởng ưu đãi thuế TNDN đối với thu nhập từ hoạt động xã hội hóavà phải kê khai nộp thuế theo quy định.

6.4. Ưu đãi thuế TNDN đối với hoạt động đầu tư mở rộng, đầu tư thường xuyên

  • Tại Điều 5 Thông tư số 130/2016/TT-BTC ngày 12/8/2016 của Bộ Tài chính quy định: Bổ sung điểm a1 vào sau điểm a Khoản 6 Điều 18 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 4 Điều 10 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính) như sau:

“a1) Đối với giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2013, doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh mà sử dụng quỹ khấu hao cơ bản tài sản cố định của doanh nghiệp; sử dụng lợi nhuận sau thuế tái đầu tư; sử dụng vốn trong phạm vi vốn đầu tư đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để đầu tư bổ sung máy móc thiết bị thường xuyên và không tăng công suất sản xuất kinh doanh theo đề án kinh doanh đã đăng ký hoặc được phê duyệt thì không phải đầu tư mở rộng”.

6.5. Về việc nộp thuế TNDN đối với các cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc tại các địa phương khác đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN

Trường hợp Công ty có trụ sở chính tại tỉnh A có các nhà máy sản xuất và chế biến tại tỉnh B và tỉnh C đang trong thời gian được hưởng ưu đãi thuế TNDN thì Công ty phải tính riêng số thuế TNDN từ hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà máy tại tỉnh B và tỉnh C để kê khai nộp thuế riêng và không thực hiện phân bổ số thuế TNDN phải nộp tại các địa phương theo tỷ lệ % chi phí . Số thuế TNDN phải nộp tại các địa phương trong thời gian được hưởng ưu đãi thuế TNDN được xác định trên cơ sở phần thu nhập phát sinh tương ứng tại các địa phương.

III. Về hồ sơ khai quyết toán thuế TNDN năm 2016

Hồ sơ khai quyết toán thuế TNDN năm 2016 thực hiện như năm 2015, cụ thể: Về mẫu biểu thực hiện theo mẫu biểu quy định tại Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/011/2013 của Bộ Tài Chính, riêng tờ khai quyết toán thuế TNDN mẫu số 03/TNDN, 04/TNDN, các phụ lục 02/TNDN, 03-5/TNDN thực hiện theo mẫu biểu quy định tại Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của BTC.

PHẦN B: QUYẾT TOÁN THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN NĂM 2016

Thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính thuế nói chung và đối với quản lý thuế thu nhập cá nhân nói riêng, đồng thời để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế, từ năm 2012 đến nay, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính thường xuyên sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật Thuế: Luật sửa đổi, bổ sung Luật, Nghị định sửa đổi Bổ sung Nghị định, Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư. Quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2016.

Về chính sách thuế TNCN: Tại các văn bản hiện hành đã hướng dẫn rất rõ nội dung liên quan đến quyết toán thuế thu nhập cá nhân như đối tượng phải quyết toán thuế TNCN, Nơi nộp hồ sơ quyết toán, Hình thức quyết toán thuế, đối tượng giảm trừ gia cảnh, thời hạn nộp hồ sơ hoàn thuế và cách thức hoàn thuế thu nhập cá nhân nên quyết toán thuế TNCN năm 2016 không thay đổi nhiều so với năm 2015.

Về công tác chỉ đạo địa phương: Ngay từ những ngày đầu tháng 12, Tổng cục Thuế đã có công tác chỉ đạo, đôn đốc Cục Thuế địa phương về triển khai công tác quyết toán thuế thu nhập cá nhân. Tổng cục Thuế đã có công văn số 176/TCT-TNCN ngày 16/01/2017 chỉ đạo Cục Thuế địa phương hướng dẫn quyết toán thuế TNCN năm 2016. Với tinh thần đó, các Cục thuế địa phương như Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, Cục Thuế TP Hà Nội, Cục Thuế Bà rịa – Vũng Tàu…đã nhanh chóng triển khai công tác quyết toán thuế TNCN. Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã có công văn số 55/KH-CT ngày 19/12/2016 lên kế hoạch hỗ trợ người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế TNCN năm 2016; Cục thuế TP Hà Nội đã ban hành công văn số 5565/CT-TNCN ngày 17/02/2017 hướng dẫn các phòng thuộc Cục Thuế; các Chi cục Thuế quận, huyện, thị xã quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2016, nội dung hướng dẫn bao gồm cả về chính sách và phân công tổ chức thực hiện quyết toán thuế TNCN; công văn số 5286/CT-TNCN ngày 16/02/2017 và công văn số 6046/CT-TNCN ngày 21/2/2017 hướng dẫn các cơ quan đơn vị hành chính sự nghiệp, đoàn thể, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế quyết toán thuế thu nhập cá nhân…..Đồng thời, các Cục Thuế đã triển khai các chương trình như “Tháng đồng hành cùng người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế năm 2016”; “ Tuần lễ hỗ trợ quyết toán thuế năm 2016”. Thông thường việc hỗ trợ, giải đáp chính sách thuế cho NNT do bộ phận tuyên truyền-hỗ trợ người nộp thuế thực hiện nhưng với các chương trình này, việc hỗ trợ được thực hiện toàn diện hơn, có sự phối hợp của nhiều phòng, nhiều bộ phận. Thậm chí, đối với các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp có số lượng NNT lớn, Cục Thuế Hà Nội cử cán bộ đến hỗ trợ và tiếp nhận hồ sơ quyết toán thuế, hồ sơ hoàn thuế TNCN tại đơn vị….

Về công tác tuyên truyền: để tạo điều kiện cho người nộp thuế, Vụ QL Thuế TNCN Tổng cục Thuế đã phối hợp với Vụ Tuyên truyền hỗ trợ để tuyên truyền các nội dung lưu ý về quyết toán thuế TNCN qua trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, Cục Thuế; phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng để tuyên truyền giải đáp về pháp luật thuế như kênh VOV giao thông, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với báo vnexpress trả lời trực tuyến các vướng mắc của độc giả.

Về hỗ trợ kê khai điện tử: Tổng cục Thuế đã nâng cấp các ứng dụng hỗ trợ và xử lý tờ khai quyết toán thuế đáp ứng theo các mẫu biểu mới tại Thông tư số 92/2015/TT-BTC. Tổ chức, cá nhân quyết toán thuế truy cập trang gdt.gov.vn hoặc tncnonline.com.vn tải phần mềm hỗ trợ kê khai HTKK, khai thuế điện tử iHTKK, hoặc hỗ trợ QTT TNCN để kê khai quyết toán thuế.

Theo số liệu cơ quan thuế phê duyệt trên tncnonline, số lượng cá nhân trực tiếp quyết toán của 2015 : 88.799 cá nhân; tổng số cá nhân ủy quyền cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thay: 9.153.325 cá nhân. Như vậy, tỷ lệ số lượng cá nhân trực tiếp quyết toán thuế chỉ chiếm 0,96%.

Về quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2016, cần lưu ý các nội dung sau:

I. Các căn cứ pháp lý:

1. Luật:

– Luật thuế thu nhập cá nhân số 04/2007/QH12 ngày 21/11/2007;

– Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân số 26/2012/QH13 ngày 22/11/2012.

– Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014.

2. Nghị định:

– Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/06/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân.

– Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 của Chính phủ.

– Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 do Chính phủ.

3. Thông tư:

– Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và hướng dẫn thi hành Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/06/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân.

– Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013; Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013; Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013, Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/01/2013, Thông tư số 85/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 và Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính để cải cách, đơn giản các thủ tục hành chính về thuế.

– Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định quy định về thuế.

– Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính.

II. Chính sách Quyết toán thuế TNCN năm 2016

2.1. Đối tượng phải quyết toán thuế TNCN: Có 2 đối tượng

2.1.1. Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công

Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công có trách nhiệm khai quyết toán thuế nếu:

+ Có số thuế phải nộp thêm hoặc:

+ Có số thuế nộp thừa đề nghị hoàn hoặc bù trừ thuế vào kỳ khai thuế tiếp theo, trừ các trường hợp sau:

– Cá nhân có số thuế phải nộp nhỏ hơn số thuế đã tạm nộp mà không có yêu cầu hoàn thuế hoặc bù trừ thuế vào kỳ sau.

– Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một đơn vị mà có thêm thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng đã được đơn vị trả thu nhập khấu trừ thuế tại nguồn theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu thì không quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.

– Cá nhân được người sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm hưu trí tự nguyện), bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm mà người sử dụng lao động hoặc doanh nghiệp bảo hiểm đã khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ 10% trên khoản tiền phí bảo hiểm tương ứng với phần người sử dụng lao động mua hoặc đóng góp cho người lao động thì không phải quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.

2.1.2. Tổ chức trả thu nhập từ tiền lương, tiền công

– Tổ chức trả thu nhập từ tiền lương, tiền công không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không phát sinh khấu trừ thuế có trách nhiệm khai quyết toán thuế và quyết toán thuế thay cho cá nhân có uỷ quyền. Trường hợp tổ chức không phát sinh trả thu nhập từ tiền lương, tiền công trong năm 2016 thì không phải khai quyết toán thuế TNCN.

– Tổ chức trả thu nhập chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể hoặc phá sản theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì phải quyết toán thuế đối với số thuế thu nhập cá nhân đã khấu trừ chậm nhất là ngày thứ 45 (bốn mươi lăm) kể từ ngày chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể hoặc phá sản và cấp chứng từ khấu trừ thuế cho người lao động để làm cơ sở cho người lao động thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân.

Trường hợp sau khi tổ chức lại doanh nghiệp (chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi), người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới (tổ chức được hình thành sau khi tổ chức lại doanh nghiệp), cuối năm người lao động có ủy quyền quyết toán thuế thì tổ chức mới phải thu lại chứng từ khấu trừ thuế TNCN do tổ chức cũ đã cấp cho người lao động để làm căn cứ tổng hợp thu nhập, số thuế đã khấu trừ và quyết toán thuế thay cho người lao động.

Riêng tổ chức trả thu nhập giải thể, chấm dứt hoạt động có phát sinh trả thu nhập nhưng không phát sinh khấu trừ thuế TNCN thì tổ chức trả thu nhập không thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân, chỉ cung cấp cho cơ quan thuế danh sách cá nhân đã chi trả thu nhập trong năm (nếu có) theo Mẫu số 05/DS-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính chậm nhất là ngày thứ 45 kể từ ngày có quyết định về việc giải thể, chấm dứt hoạt động.

III. Nơi nộp hồ sơ quyết toán thuế

3.1. Đối với tổ chức trả thu nhập

– Tổ chức trả thu nhập là cơ sở sản xuất, kinh doanh: nộp hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế trực tiếp quản lý tổ chức.

– Tổ chức trả thu nhập là cơ quan Trung ương; cơ quan thuộc, trực thuộc Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh; cơ quan cấp tỉnh: nộp hồ sơ khai thuế tại Cục Thuế nơi tổ chức đóng trụ sở chính.

– Tổ chức trả thu nhập là cơ quan thuộc, trực thuộc UBND cấp huyện; cơ quan cấp huyện: nộp hồ sơ khai thuế tại Chi cục Thuế nơi tổ chức đóng trụ sở chính.

– Tổ chức trả thu nhập là các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, văn phòng đại diện của các tổ chức nước ngoài: nộp hồ sơ khai thuế tại Cục Thuế nơi tổ chức đóng trụ sở chính.

3.2. Đối với cá nhân

– Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công trực tiếp khai thuế trong năm: nơi nộp hồ sơ quyết toán thuế là Cục Thuế nơi cá nhân nộp hồ sơ khai thuế trong năm.

– Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công từ hai nơi trở lên thuộc diện tự quyết toán thuế: nơi nộp hồ sơ quyết toán thuế như sau:

+ Cá nhân đã tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân tại tổ chức trả thu nhập nào thì nộp hồ sơ quyết toán thuế tại cơ quan thuế trực tiếp quản lý tổ chức trả thu nhập đó. Trường hợp cá nhân có thay đổi nơi làm việc và tại tổ chức trả thu nhập cuối cùng có tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân thì nộp hồ sơ quyết toán thuế tại cơ quan thuế quản lý tổ chức trả thu nhập cuối cùng. Trường hợp cá nhân có thay đổi nơi làm việc và tại tổ chức trả thu nhập cuối cùng không tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân thì nộp hồ sơ quyết toán thuế tại Chi cục Thuế nơi cá nhân cư trú (nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú).

+ Trường hợp cá nhân chưa tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân ở bất kỳ tổ chức trả thu nhập nào thì nộp hồ sơ quyết toán thuế tại Chi cục Thuế nơi cá nhân cư trú (nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú).

– Trường hợp cá nhân không ký hợp đồng lao động, hoặc ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng, hoặc ký hợp đồng cung cấp dịch vụ có thu nhập tại một nơi hoặc nhiều nơi đã khấu trừ 10% thì quyết toán thuế tại Chi cục Thuế nơi cá nhân cư trú (nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú).

– Cá nhân trong năm có thu nhập từ tiền lương, tiền công tại một nơi hoặc nhiều nơi nhưng tại thời điểm quyết toán không làm việc tại tổ chức trả thu nhập nào thì nơi nộp hồ sơ quyết toán thuế là Chi cục Thuế nơi cá nhân cư trú (nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú).

3.3. Đối với cá nhân cư trú tại nhiều nơi và thuộc diện quyết toán thuế tại cơ quan thuế nơi cá nhân cư trú

Trường hợp cá nhân cư trú tại nhiều nơi và thuộc diện quyết toán thuế tại cơ quan thuế nơi cá nhân cư trú thì cá nhân lựa chọn một nơi cư trú để quyết toán thuế.

IV. Hình thức Quyết toán thuế TNCN

Cá nhân có thể ủy quyền quyết toán thuế hoặc trực tiếp quyết toán thuế TNCN, cụ thể:

4.1. Cá nhân ủy quyền quyết toán thuế qua tổ chức trả thu nhập

– Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ủy quyền cho tổ chức trả thu nhập quyết toán thuế trong các trường hợp sau:

+ Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một tổ chức trả thu nhập VÀ thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm uỷ quyền quyết toán thuế (bao gồm cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm) thì được ủy quyền quyết toán thuế tại tổ chức trả thu nhập đó đối với phần thu nhập do tổ chức đó chi trả.

+ Trường hợp tổ chức trả thu nhập thực hiện việc tổ chức lại doanh nghiệp (chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi) và người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới (tổ chức được hình thành sau khi tổ chức lại doanh nghiệp), nếu trong năm người lao động không có thêm thu nhập từ tiền lương, tiền công tại một nơi nào khác thì được uỷ quyền quyết toán cho tổ chức mới quyết toán thuế thay đối với cả phần thu nhập tổ chức cũ chi trả.

+ Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một tổ chức trả thu nhập VÀ thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm ủy quyền quyết toán, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm, đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng đã được đơn vị trả thu nhập khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10% nếu cá nhân không có yêu cầu quyết toán thuế đối với thu nhập vãng lai thì được ủy quyền quyết toán tại tổ chức trả thu nhập ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên.

4.2. Cá nhân quyết toán thuế trực tiếp với cơ quan thuế

– Cá nhân đảm bảo điều kiện được ủy quyền cho tổ chức trả thu nhập quyết toán thuế nhưng đã được tổ chức trả thu nhập cấp chứng từ khấu trừ thuế TNCN thì không ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức trả thu nhập (trừ trường hợp tổ chức trả thu nhập đã thu hồi và hủy chứng từ khấu trừ thuế đã cấp cho cá nhân).

– Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công không đảm bảo điều kiện được ủy quyền cho tổ chức trả thu nhập quyết toán thuế nhưng thuộc diện phải quyết toán thuế TNCN theo quy định thì trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế cụ thể:

+ Cá nhân chỉ có thu nhập vãng lai đã khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10% (kể cả trường hợp có thu nhập vãng lai duy nhất tại một nơi) thì cá nhân không uỷ quyền quyết toán.

+ Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một đơn vị, đồng thời có thu nhập vãng lai chưa khấu trừ thuế (bao gồm trường hợp chưa đến mức khấu trừ và đã đến mức khấu trừ nhưng không khấu trừ) thì cá nhân không ủy quyền quyết toán thuế.

V. Giảm trừ gia cảnh

5.1. Giảm trừ gia cảnh cho bản thân: Có 2 lưu ý:

– Người nộp thuế có nhiều nguồn thu nhập thì lựa chọn tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân tại một nơi.

– Trong kỳ tính thuế cá nhân cư trú chưa tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân hoặc tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân chưa đủ 12 tháng thì được tính đủ 12 tháng nếu thực hiện quyết toán thuế theo quy định.

huong-dan-quyet-toan-thue-thu-nhap-doanh-nghiep-va-thue-thu-nhap-ca-nhan-nam-2016-3

5.2. Giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc

– Điều kiện được tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc: người nộp thuế đã đăng ký thuế + được cấp mã số thuế.

– Mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một người nộp thuế trong năm tính thuế. Trường hợp nhiều người nộp thuế có chung người phụ thuộc phải nuôi dưỡng thì người nộp thuế tự thỏa thuẩn để đăng ký giảm trừ gia cảnh vào một người nộp thuế.

– Trường hợp người nộp thuế chưa tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc trong năm tính thuế thì được tính giảm trừ gia cảnh cho NPT kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng khi người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế và có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc.

VI. Thời hạn nộp

Tổ chức trả thu nhập và cá nhân thuộc diện khai quyết toán thuế nộp hồ sơ quyết toán thuế chậm nhất là ngày thứ 90 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch. Nhưng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính khuyến khích người nộp thuế nộp trước thời gian này để tránh ùn tắc và khó khăn cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế.

TCT

►►► Liên tục cập nhật các tin tức pháp luật doanh nghiệp khác tại đây!

.